Hệ thống định danh kỹ thuật số cho phép các chính phủ làm được nhiều việc hơn là chỉ phát hành các tài liệu xác định công dân. Các lợi ích của hệ thống định danh kỹ thuật số vượt ra ngoài việc tăng cường tuân thủ pháp luật; chúng giúp cho các dịch vụ công và tư có thể tiếp cận được với nhiều người hơn, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, tính minh bạch và tăng trưởng kinh tế.

Nếu việc triển khai định danh kỹ thuật số đã trở nên quan trọng, thì nó đã trở nên cấp thiết sau COVID-19, nó đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên toàn thế giới. Nhiều chính phủ đã chuyển sang các kênh kỹ thuật số để hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình, tổ chức các chương trình xét nghiệm COVID-19, triển khai kế hoạch tiêm chủng, tổ chức tư vấn y tế qua điện thoại, video, và chuyển đổi giáo dục sang các kênh kỹ thuật số trực tuyến. Các dịch vụ này của chính phủ yêu cầu mọi người phải chứng minh danh tính của họ bằng một số hình thức này hay hình thức khác.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều chính phủ muốn bắt đầu hoặc mở rộng hệ thống định danh kỹ thuật số của họ. Hiểu được xu hướng này, Tuyên bố của các bộ trưởng công nghệ G20 vào tháng 8 năm 2021 lần đầu đề cập đến ‘định danh kỹ thuật số toàn diện’ như một thành phần trung tâm trong sự phục hồi, phát triển kinh tế và chuyển đổi chính phủ (G20 2021).

Phối hợp với Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD - Organization for Economic Cooperation and Development), G20 đã thiết lập một cơ chế để danh tính kỹ thuật số được chia sẻ giữa các nước G20, chấp nhận cả những lợi ích mà các giải pháp này mang lại, cùng những thách thức liên quan. Cụ thể, các hệ thống định danh kỹ thuật số đưa ra những thách thức triển khai mà khó giải quyết theo các mô hình truyền thống, như: quyền riêng tư, độ tin cậy, bảo mật và hội nhập.

Nhiều quyết định triển khai thực tế liên quan đến hệ thống định danh kỹ thuật số sẽ không được xem là đúng đắn nếu không khám phá và hiểu những lợi ích và thách thức này.

Lợi ích 1: Khả năng tiếp cận và Hòa nhập

Nếu không có hình thức định danh nào được công nhận, rất khó để đăng ký đi học, ra nước ngoài, yêu cầu lương hưu, nhận phúc lợi hoặc tiếp cận các dịch vụ xã hội, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký điện thoại, xuất trình giấy chứng nhận công việc và nghề nghiệp, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử hoặc đăng ký kinh doanh (Ngân hàng Thế giới, 2019b).

Các hệ thống định danh kỹ thuật số cho phép triển khai đơn giản và hiệu quả hơn tất cả các dịch vụ này, giúp nhiều cá nhân có thể truy cập được. Danh tính kỹ thuật số cho phép mọi người chứng minh họ là ai, đảm bảo rằng danh tính của họ có thể được xác thực nhanh hơn để truy cập các dịch vụ công và xã hội, đồng thời được sử dụng theo cách an toàn hơn so với các phương pháp quản lý danh tính truyền thống.

Khi nhiều cá nhân có thể chứng minh danh tính của mình, khả năng tiếp cận các dịch vụ, cơ hội cho các cá nhân và cơ hội đổi mới dịch vụ sẽ mở rộng. Do đó, hệ thống định danh kỹ thuật số có thể là một công cụ cân bằng mạnh mẽ, giúp các cộng đồng yếu thế tham gia đầy đủ hơn vào đời sống xã hội, kinh tế và chính trị.

Vì những lý do này, các tổ chức như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID - United States Agency for International Development) đã lập luận rằng khả năng chứng minh kỹ thuật số danh tính pháp lý của một người là rất quan trọng cho sự phát triển và hội nhập (USAID 2017). Hệ thống định danh kỹ thuật số tăng cường đáng kể năng lực mở rộng các dịch vụ công cho những công dân nghèo nhất của một quốc gia. Hay như Viện nghiên cứu chính sách Brookings của Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng Danh tính kỹ thuật số toàn cầu là yếu tố thúc đẩy chính chuyển tiền mặt toàn cầu để cứu trợ kinh tế và hỗ trợ xã hội. Theo ý kiến ​​của họ, “tình trạng nghèo cùng cực có thể được xóa bỏ với chi phí toàn cầu khoảng 100 tỷ đô la” thông qua việc chuyển tiền mặt như vậy, nhưng chỉ khi hệ thống định danh kỹ thuật số phù hợp được triển khai (Bayuo và Tholstrup, 2021).

Chuyển tiền mặt ở Pakistan trong đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã nêu bật sự cấp thiết về Hệ thống định danh kỹ thuật số. Ở châu Phi cận Sahara và Nam Á, nhiều gia đình phải đối mặt với tình trạng nghèo cùng cực. Các chuyên gia phát triển nhấn mạnh rằng ngay cả việc trải qua nghèo đói trong một thời gian ngắn cũng có thể có tác động lâu dài (Kharas 2020). Trong bối cảnh này, việc triển khai chuyển tiền mặt nhanh chóng đến các hộ gia đình nghèo khó là cách vô cùng hiệu quả để cứu trợ. Cuối cùng, các quốc gia có hệ thống định danh kỹ thuật số đã ở vị thế tốt hơn nhiều. Lợi thế từ công nghệ này cho phép mọi người nhanh chóng chứng minh họ là ai khi đăng ký các chương trình phúc lợi, và các chính phủ cũng nhanh chóng kiểm tra tính đủ điều kiện bằng cách sử dụng các cơ sở dữ liệu khác nhau.

Tại Pakistan, chính phủ đã giới thiệu chương trình “Tiền mặt khẩn cấp Ehsaas” vào tháng 4 năm 2020, với mục tiêu cung cấp cho 12 triệu gia đình với mỗi gia đình khoảng 75 USD. Các gia đình có thể kiểm tra thông qua tin nhắn SMS xem họ có đủ điều kiện hay không, điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có hệ thống định danh kỹ thuật số quốc gia. Các dữ liệu đã được liên kết thông qua hệ thống như tài sản, lịch sử du lịch và thống kê kinh tế xã hội… sẽ được sử dụng để xác định tính đủ điều kiện của một cá nhân hoặc hộ gia đình. Theo số liệu của chính phủ, chương trình đã tiếp cận với hơn 15 triệu hộ gia đình và là một phần không thể thiếu trong nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói trên khắp đất nước.

Giải quyết các thách thức triển khai

Khi danh sách các quốc gia và chính phủ thừa nhận những lợi ích của danh tính kỹ thuật số ngày một tăng, họ đã thực hiện các bước để xây dựng hoặc cải tiến hệ thống định danh kỹ thuật số của mình. Từ ý kiến ​​của các chuyên gia và những nghiên cứu điển hình, các phần sau sẽ giúp giải quyết một cách chiến lược các thách thức triển khai liên quan đến hệ thống định danh kỹ thuật số.

Lợi ích 2: Tính minh bạch, đổi mới và nhanh chóng

Một hệ thống định danh kỹ thuật số cải thiện sự tương tác của từng công dân đến các tổ chức công và tư. Đây là một thành phần quan trọng trong chiến lược cải thiện các dịch vụ. Đáp ứng kịp thời, nhanh chóng, chính xác và sáng tạo hơn. Cụ thể, nó giúp giảm chi phí hoạt động, cải thiện trải nghiệm của người dân cũng như khách hàng, giảm thời gian thực hiện, đẩy nhanh tốc độ phục vụ, và tăng cường bảo mật.

Nhìn từ góc độ thể chế, tác động này đặc biệt quan trọng trong khu vực công, nơi các hệ thống định danh kỹ thuật số có thể tăng cường tính minh bạch, hiệu quả, đổi mới, đồng thời cung cấp các dịch vụ và chương trình công cộng rất kịp thời (World Bank, 2019b). Người ta ước tính rằng các hệ thống được sắp xếp hợp lý được xây dựng trên danh tính kỹ thuật số có thể tiết kiệm cho chính phủ 110 tỷ giờ làm việc, cùng với việc giảm các chi phí liên quan (Viện toàn cầu McKinsey, 2019).

Phản ứng nhanh với COVID-19: Trường hợp của Hàn Quốc

Hàn Quốc có hệ sinh thái định danh tích hợp liên kết dân cư (đăng ký cư trú, được gọi là RR), đăng ký gia đình (đăng ký quan hệ gia đình, được gọi là FRR) và Khảo sát thay đổi dân số (PCS). Mọi người trong RR đều có số nhận dạng cư dân (RIN) duy nhất trong thẻ ID căn cước của họ và gần như tất cả các dịch vụ của chính phủ đều yêu cầu mọi người trình bày RIN của mình (Joon Song et al. 2016). Từ năm 2002, chính phủ Hàn Quốc đã đưa các hệ thống này lên mạng, xây dựng một hệ thống định danh kỹ thuật số rất hiệu quả (Clark et al. 2018).

Số ID căn cước và RIN được tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc và RIN được sử dụng cho nền tảng định danh người bệnh. Hơn nữa, sự tích hợp giữa hệ thống chăm sóc sức khỏe và thống kê Hàn Quốc cho phép thu thập và phân tích dữ liệu một cách liền mạch và xuyên suốt (Joon Song et al. 2016).

Hệ thống định danh kỹ thuật số này, khi phải đối mặt với sự bùng phát của Covid-19, đã cho phép chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng triển khai một chiến lược “kiểm tra, theo dõi, cách lý” toàn diện. Chính phủ cũng có dữ liệu và số liệu thống kê tinh vi để đưa ra các quyết định y tế công cộng (Dighe et al. 2020). Hàn Quốc thường được ca ngợi về tốc độ ứng phó của họ, điều này sẽ không thể nếu không có hệ thống danh tính kỹ thuật số và sự tích hợp của nó với chăm sóc sức khỏe.

Hệ thống danh tính kỹ thuật số cũng làm tăng đáng kể tính minh bạch và giúp giảm tiêu cực trong việc chuyển tiền từ chính phủ đến người dân. Khi xử lý các khoản thanh toán liên quan đến lương, lương hưu, các chương trình phúc lợi xã hội, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ nuôi con v.v. Trong khi các hệ thống phi kỹ thuật số rất dễ bị sai sót và tham nhũng. Hệ thống danh tính kỹ thuật số mạnh mẽ khiến việc mạo danh trở nên khó khăn hơn và cho phép quản trị viên loại trừ các ứng viên không đủ điều kiện với một khoản trợ cấp cụ thể.

Tăng hiệu quả khu vực công

Kể từ khi được mở rộng trong những năm gần đây, các hệ thống danh tính kỹ thuật số đã báo cáo những kết quả phi thường trong việc cải thiện hiệu quả của các dịch vụ công và tăng cường tính minh bạch. Tại Bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, thẻ thông minh sinh trắc học đã giúp giảm tham nhũng, phân bổ sai và quản lý kém quỹ công trong các khoản chi trả trợ cấp xã hội đã giảm 10,8%. Tại Thái Lan, việc kiểm tra chéo những người thụ hưởng chương trình chuyển tiền mặt với các cơ sở dữ liệu bổ sung của chính phủ đã tạo ra khoản tiết kiệm ước tính từ 29,7 đến 59,4 triệu USD. Tại Uganda, việc xác minh danh tính công chức dựa trên cơ sở dữ liệu danh tính quốc gia đã dẫn đến việc loại bỏ 4.664 lao động ma và tiết kiệm 6,9 triệu USD (Clark, 2018).

Hệ thống danh tính kỹ thuật số có thể giảm đáng kể chi phí hành chính cho các cơ quan chính phủ cũng như giảm thiểu gian lận và sai sót. Điều này cũng làm giảm “chi phí” trong mối quan hệ công dân - chính phủ và giữa các cơ quan chính phủ với nhau. Ví dụ: sử dụng một hệ thống danh tính kỹ thuật số duy nhất, một cơ quan có thể yêu cầu thông tin về một cá nhân cụ thể từ một cơ quan khác một cách nhanh chóng và liền mạch.

Đặc biệt khi áp dụng các phương pháp tiếp cận cơ sở hạ tầng và nền tảng, các chính phủ có thể triển khai danh tính kỹ thuật số thông qua nền tảng chia sẻ. Xây dựng một hệ thống thống nhất để các cơ quan chính phủ có thể dùng chung và tận dụng để tạo ra các dịch vụ bổ sung mà không cần phải xây dựng hệ thống riêng của họ. Ngoài các lợi ích về ngân sách và thời gian đưa ra xã hội, điều này cho phép khu vực công loại bỏ các hệ thống thừa và có thể giúp giảm bớt việc thu thập dữ liệu không cần thiết. Một hệ thống danh tính kỹ thuật số duy nhất mang lại những lợi thế to lớn về giảm thiểu dữ liệu, có nghĩa là thu thập lượng dữ liệu tối thiểu cần thiết để cung cấp dịch vụ. Trong khi hồ sơ giấy bị phân mảnh ở nhiều cơ quan chính phủ, chắc chắn dẫn đến sự trùng lặp dữ liệu cá nhân, một hệ thống danh tính kỹ thuật số có thể liên kết các “điểm dữ liệu” với nhau ở các cơ quan khác nhau.

Estonia, đi trước một bước

Estonia đã xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số, nơi 99% các dịch vụ của chính phủ đã chuyển sang trực tuyến. Nền tảng của hệ sinh thái kỹ thuật số này là định danh điện tử (eID). Định danh điện tử (eID) được tích hợp trong chứng minh thư của Estonia, được cấp lần đầu tiên vào năm 2002 và là một tài liệu định danh bắt buộc đối với công dân Estonia. Bên cạnh mục đích định danh thông thường, thẻ cũng có thể được sử dụng để xác định danh tính của một người trên môi trường điện tử.

Hiện tại, 99% cư dân Estonia đã sở hữu chứng minh nhân dân. Theo chính phủ, khả năng ký số các tài liệu đã giúp tiết kiệm trung bình 5 ngày làm việc mỗi năm của người Estonia (e-Estonia 2017) và eID giúp tiết kiệm ước tính 2% GDP mỗi năm bằng cách giảm chi phí giao dịch liên quan đến danh tính và tạo điều kiện cho các dịch vụ trực tuyến (Clark, 2018). Hệ thống ID kỹ thuật số của Estonia cũng đã kích hoạt chương trình Cư trú điện tử (e-Residency) của quốc gia, cấp quyền truy cập vào các dịch vụ của Estonia cho những người không sống ở Estonia. Hơn 1.300 công ty mới đã được thành lập bởi Cư dân điện tử, mang lại 4,6 triệu đô la cho nền kinh tế Estonia (Lowmaster, 2018).

Lợi ích 3: Tăng trưởng kinh tế

Hệ thống ID kỹ thuật số cho phép mở ra rất nhiều dịch vụ mới, thúc đẩy các dịch vụ hoạt động hiệu quả hơn, ở cả khu vực công cộng và tư nhân. Ví dụ: cho phép nhiều người hơn khi mở tài khoản ngân hàng, thanh toán và đăng ký doanh nghiệp. Nó giúp chính thức hóa các tương tác tài chính chưa đăng ký trước đây và thúc đẩy sự hội nhập tài chính. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các cá nhân, tổ chức và cộng đồng mà còn thể hiện giá trị kinh tế cho các quốc gia. Vào năm 2019, McKinsey đã báo cáo rằng việc mở rộng phạm vi phủ sóng ID kỹ thuật số ở các quốc gia mới nổi có thể mang lại giá trị kinh tế 6% GDP vào năm 2030 (McKinsey Global Institute, 2019).

Các hệ thống ID kỹ thuật số hiệu quả nhất không chỉ cung cấp nền tảng cho các dịch vụ của chính phủ mà còn có thể cung cấp dịch vụ xác thực cho các công ty, tổ chức tư nhân. Các công ty tận dụng hệ thống ID kỹ thuật số có thể giảm phí hành chính và các giao dịch liên quan đến xác thực danh tính. Việc thực hiện thông qua phương tiện kỹ thuật số là dễ dàng hơn so với phương tiện giấy tờ truyền thống. Các hệ thống này cũng có thể giúp giảm gian lận và cắt giảm chi phí tuân thủ.

Hệ thống ID kỹ thuật số cũng có thể là động lực thúc đẩy các luồng doanh thu mới, vì chúng cho phép các công ty có cơ sở khách hàng lớn hơn dễ dàng quảng bá các dịch vụ mới tiếp cận đến nhiều người hơn. Khi số lượng người có thể chứng minh danh tính của họ tăng lên, các cơ hội doanh thu tiềm năng cũng xuất hiện. Một ví dụ đáng kinh ngạc về điều này là doanh thu tiềm năng trong các dịch vụ tài chính. Người ta ước tính rằng 360 triệu người - một phần năm trong số những người không có ngân hàng trên toàn thế giới - không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính do không có khả năng để chứng minh danh tính của họ (Ngân hàng Thế giới 2017). Cuối cùng, hệ thống ID kỹ thuật số cũng tác động tích cực và trực tiếp đến những công ty tư nhân cả cũ và mới hiện đang cung cấp các dịch vụ liên quan đến danh tính.

Giới thiệu Aadhaar, hệ thống ID lớn nhất trên thế giới

Aadhaar là hệ thống ID kỹ thuật số lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,2 tỷ người đăng ký, được quản lý bởi Cơ quan quản lý định danh duy nhất Ấn Độ (UIDAI). Chương trình được bắt đầu từ năm 2009 và tập trung vào mã định danh duy nhất gồm 12 chữ số được liên kết với dữ liệu nhân khẩu học, vân tay và mống mắt. Các cá nhân được cấp một số ID duy nhất gọi là Aadhaar, sau khi loại bỏ khả năng năng trùng lặp sinh trắc, các các nhân có thể xác thực trực tuyến bằng cách sử dụng các thuộc tính sinh trắc học hoặc số điện thoại di động đã đăng ký.

Aadhaar đã cho phép Ấn Độ chuyển từ một hệ thống dựa trên giấy tờ chậm chạp, không đáng tin cậy và thiếu hội nhập sang cung cấp cho người dân một danh tính duy nhất và có thể xác minh trực tuyến. Mặc dù Aadhaar không phải là nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân, nhưng nó đã trở thành thứ bắt buộc của mỗi người để tiếp cận các dịch vụ công cộng và các khoản thanh toán phúc lợi, với 99% người trưởng thành hiện đã nằm trong chương trình.

Kể từ khi ra mắt, Aadhaar đã giúp chính phủ tiết kiệm khoảng 12,4 tỷ USD chi phí hành chính (The Economic Times, 2018). Đương nhiên, con số mới chỉ bao gồm tiết kiệm trực tiếp chi phí hành chính và chưa tính đến các chi phí do tác động tích cực của chương trình mang lại cho nền kinh tế Ấn Độ. Theo dữ liệu chính thức tháng 6 năm 2021, 35-40 triệu lượt xác thực được thực hiện mỗi ngày thông qua Aadhaar, cùng với 4,3-5,5 triệu eKYC (Cơ quan quản lý định danh duy nhất Ấn Độ, 2021). Kể từ khi Aadhaar được triển khai, chi phí để tiếp cận một khách hàng mới của một công ty tư nhân điển hình đã giảm hơn 99%, từ khoảng 23 USD xuống 0,15 USD (Lowmaster 2018).

Trên hết, Aadhaar đã thay đổi bối cảnh tài chính của Ấn Độ. Hệ thống Cầu nối Thanh toán Aadhaar (The Aadhaar Payment Bridge System), sử dụng số Aadhaar như một chìa khóa trung tâm để trao chuyển điện tử (electronically transferring) các lợi ích và trợ cấp của chính phủ tới những người thụ hưởng, với trung bình 105 triệu lượt và khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng. Cũng hơn 73 triệu giao dịch ngân hàng được thực hiện hàng tháng trên hệ thống, chủ yếu ở khu vực nông thôn, lên tới 2,5 tỷ USD.

Hơn nữa, quốc gia này đang nhanh chóng hướng tới một nền kinh tế làm việc, không tiền mặt và không giấy tờ thông qua IndiaStack. Đây là một bộ API cho phép chính phủ và các doanh nghiệp xây dựng trên cơ sở hạ tầng nền tảng của Aadhaar. Các giao dịch peer-to-peer được thực hiện thông qua các Ứng dụng thanh toán hợp nhất (Unified Payments Interface apps), do IndiaStack cung cấp, lên tới 45 tỷ USD mỗi tháng.

Ngày cập nhật: